Chương 3 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 3,1-38)

CHƯƠNG 3: SỨ MỆNH CỦA GIOAN TẨY GIẢ – VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐỨC GIÊSU.

Sứ điệp của Thiên Chúa đã không đến với bất kỳ một trong những “nhà lãnh đạo vĩ đại” nào vào thời đó, nhưng đã đến với Gioan Tẩy Giả – Vị Ngôn Sứ vĩ đại nhất và cuối cùng của Thiên Chúa. Sứ mệnh của Gioan đã được loan báo trước bởi ngôn sứ Isaia (c.4-6; Is 40, 3-5). Gioan là một ngôn sứ mà ông cũng là một chủ đề của lời tiên báo! Gioan Tẩy Giả đã được sai đến để chuẩn bị cho dân Ítraen về việc Đức Mêsia sắp đến. Ông kêu gọi mọi người hoán cải. Ông kêu gọi họ chuẩn bị đón Đấng Mêsia. Những người đương thời của Gioan đã chuẩn bị như thế nào? Mùa Vọng năm nay lại đến, bạn đã chuẩn bị những gì để đón Chúa? Bạn có sẵn sàng để cho Ngài được sinh ra và lớn lên nơi cõi lòng mình không?

Gioan Tẩy Giả có đặc ân của Gioan đến là đến để kêu gọi dân quay trở lại đường chính nẻo ngay, canh tân các tâm hồn, sám hối, dọn lòng thanh sạch để được ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế, Đấng Messia và sau đó thì giới thiệu Ngài với họ. Sứ mệnh này cũng chính là của Êlia thời Cựu Ước. Gioan đã giảng chống lại tội và kêu mọi người hoán cải. Ông đã đưa ra những lời chỉ dẫn cụ thể cho những người hoán cải làm thế nào để đưa đức tin vào trong thực hành. Ông đã xem xét quả (c.8), đi vào trong gốc rễ của tội (c.9), và cảnh báo về sự cơn thịnh nộ sẽ đến (c.7, 17). Nếu được mời gọi, bạn có sẵn sàng đón nhận những sứ vụ như thế này không?

Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi mọi người thống hối và lãnh nhận phép rửa. Uy tín của ông rất lớn, nhiều người tin nhận và chịu phép rửa. Khi nhận phép rửa do tay ông Gioan, Đức Giêsu đồng hành với dân Ngài trên con đường sám hối. Trong biến cố này, trước mặt dân chúng, Ngài sẽ được một mặc khải để bắt đầu công cuộc rao giảng, như các ngôn sứ được mặc khải về ơn gọi của các ông. Đức Giêsu sẽ là Vị Ngôn Sứ được Thần Khí ngự trên mình, người Con của Thiên Chúa, Đấng Mêsia mà toàn bộ Cựu Ước đã từng tiên báo. Đức Giêsu là Đấng vô tội, phép rửa này chỉ là nghi thức để khai mạc sứ vụ công khai của Ngài.

Với Luca, gia phả của Đức Giêsu đi từ dưới lên (tức là từ Giuse đến Ađam). Qua gia phả này Thánh Luca muốn chứng minh Đức Giêsu là một con người thật, là con cháu của Ađam và Evà. Gia phả của Ngài cũng cho chúng ta thấy Ngài thuộc về một lịch sử đầy những thăng trầm, có rất nhiều bậc anh hùng, nhưng cũng có những người tội lỗi đã được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con Một của Ngài một dòng dõi, để rồi từ dòng dõi ấy Đấng Cứu Thế được sinh ra, xuyên qua cả những khiếm khuyết và tội lỗi của con người. Nhìn lại cuộc đời mình, bạn có nhận ra tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trên cuộc đời bạn không?

Vinkmag ad

Bài trước

Thứ Ba Mùa Vọng I: Kính Thánh Anrê, Tông Đồ (Mt 4, 18-22)

Bài kế tiếp

Thứ Tư Mùa Vọng I: Lòng Thương Xót Của Chúa (Mt 15,29-37)

Để lại lời nhắn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.